Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), kể từ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 ở cuối thế kỷ 19, lượng khí CO2 thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã tăng từ khoảng 1,3 tỷ tấn lên hơn 36 tỷ tấn mỗi năm, tức là tăng gần 28 lần.
Sự gia tăng khí CO2 và các khí nhà kính khác từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng, sản xuất công nghiệp... đã khiến biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn. Biểu hiện của hiện tượng này bao gồm băng tan, mực nước biển dâng, nhiệt độ toàn cầu tăng, gây ra thời tiết cực đoan...
Đồ họa: Thái Anh
Nhiệt độ toàn cầu tăng
Theo NASA, trong 100 năm qua, nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,1-1,2 độ C (2 độ F) so với mức trung bình trong thời kỳ trước công nghiệp (khoảng năm 1850-1900). Sự tăng nhiệt này không đều và có sự thay đổi theo từng giai đoạn.
Từ năm 1900 đến 1970, sự gia tăng trung bình của nhiệt độ toàn cầu ước tính khoảng 0,2-0,3 độ C. Trong giai đoạn này, nhiệt độ tăng chậm hơn so với những thập kỷ sau mặc dù các hoạt động công nghiệp đã bắt đầu phát thải lượng lớn khí nhà kính.
Những năm 1970 - 2010, tốc độ tăng nhiệt trở nên nhanh hơn. Theo dữ liệu của NASA và NOAA, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong thời gian này tăng thêm khoảng 0,7 độ C.
Giai đoạn 2010 đến nay là những năm có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử hiện đại. Cụ thể, năm 2016 và 2020 là 2 năm nóng kỷ lục khi nhiệt độ toàn cầu cao hơn khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mức tăng nhiệt độ không đều trên toàn cầu, Bắc Cực là nơi đã trải qua sự gia tăng nhiệt độ lớn nhất, ghi nhận sự ấm lên 2-3 độ C so với trung bình một số khu vực.
Biến đổi của nhiệt độ Trái Đất trong gần 140 nămBiến đổi của nhiệt độ Trái Đất trong gần 140 năm. Đồ họa: NASA
Mực nước biển dâng
Nóng lên toàn cầu gây ra hiện tượng tan chảy băng ở các vùng cực và sông băng, làm mực nước biển dâng lên. Theo báo cáo của IPCC (Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu), mực nước biển đã tăng khoảng 20 cm từ năm 1901 đến 2018 và dự đoán có thể tăng thêm từ 0,3 đến 1,1 mét vào cuối thế kỷ 21 nếu không có biện pháp kiềm chế khí thải.
Tuy nhiên, tốc độ tăng này diễn ra không đều ở một vài giai đoạn.
Trong 50 năm qua, đại dương đã hấp thụ hơn 90% năng lượng dư thừa mà khí nhà kính và các yếu tố khác giữ lại trong trái đất. Nhiệt độ của đại dương, được đo từ bề mặt cho đến độ sâu 2.000 m tiếp tục tăng và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023. Đồng thời, mực nước biển trung bình toàn cầu cũng đạt mức kỷ lục trong 12 năm liên tiếp, hiện cao khoảng 101,4 mm so với mức trung bình của năm 1993.
Hiện tượng thời tiết cực đoan
Sự ấm lên của nhiệt độ bề mặt trái đất đang góp phần làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, bão lớn...
Nghiên cứu của IPCC cho thấy rằng lượng mưa toàn cầu đã gia tăng trung bình khoảng 1% mỗi thập kỷ, từ 10-20% trong 100 năm qua, nhưng sự phân bố lượng mưa lại không đồng đều.
Một số khu vực như Đông Á và Bắc Âu ghi nhận lượng mưa gia tăng ít nhất 10%, trong khi nhiều khu vực khác, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, lại bị giảm lượng mưa.
Mưa tăng cao ở một số khu vực nhưng tình trạng hạn hán lại cho thấy dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thế giới (WRI) cho thấy từ 1980 đến 2010, tần suất hạn hán đã tăng 29%.
Bão và áp thấp nhiệt đới cũng được dự đoán gia tăng trong thời gian tới. Theo một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, tần suất các cơn bão nhiệt đới đã tăng 30% kể từ giữa thế kỷ 20. Cường độ của chúng cũng ngày càng mạnh hơn, với số lượng bão đạt cấp 5 (cấp độ mạnh nhất) tăng rõ rệt trong những năm gần đây.
Nghiên cứu của NOAA (Cơ quan Đại dương và Khí quyển Mỹ) cho thấy cường độ các cơn bão đang ngày càng tăng, với số lượng bão đạt cấp 5 gia tăng rõ rệt trong những năm gần đây.
Các báo cáo từ WMO cho thấy trong thế kỷ 21, lượng mưa trong các trận bão lũ đã tăng từ 10-20%, chủ yếu do lượng hơi nước trong khí quyển tăng cao hơn khi nhiệt độ tăng.
Biến đổi các hệ sinh thái
Nhiệt độ tăng và thay đổi mô hình thời tiết dẫn đến biến đổi trong các hệ sinh thái. Nhiều loài động thực vật không thể thích nghi kịp với điều kiện mới, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Trong báo cáo AR6 (Assessment Report 6) của IPCC vào năm 2021, các nhà khoa học ước tính rằng khoảng một triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng trong thời gian tới do biến đổi khí hậu và các yếu tố khác như mất môi trường sống, ô nhiễm...
Nhiều hệ sinh thái quan trọng như rừng, rạn san hô, và các vùng đất ngập nước đang bị tổn thương nặng nề, kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh học.
Hạn hán cực đoan và sự biến đổi nhiệt độ đang gây mất môi trường sống, thay đổi mô hình di cư của động vật và gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài.
Thái Anh
Nhiệt độ Trái Đất thay đổi ra sao trong 500 triệu năm qua Nhiệt độ Trái Đất thay đổi ra sao trong 500 triệu năm qua