Ngày 30/10, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Media Quốc hội
Ông Tiến cho biết, dự thảo này đề xuất việc thí điểm xử lý ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, đối với vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nếu được thông qua, nghị quyết có hiệu lực từ năm 2025 và được thực hiện không quá 3 năm.
Trong đó, 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm: trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Đối với biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản, theo Viện trưởng VKSND Tối cao, biện pháp này nhằm ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu, tạo một bước sớm để kiểm tra, xác minh. Khi có đủ căn cứ, điều kiện thì áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo quy định.
Trên thực tế, cơ quan tố tụng đã đề nghị các cơ quan quản lý hành chính áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản, song để hiệu quả hơn thì cần quy định cụ thể trong nghị quyết.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết tán thành với dự thảo, thêm rằng việc áp dụng cơ chế thí điểm sẽ có tác động rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền tài sản.
Ủy ban Tư pháp đồng tình phạm vi thí điểm giới hạn trong vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Cơ quan thẩm tra cũng thống nhất 5 nhóm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản - là các biện pháp chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ cho thấy việc thí điểm các biện pháp này sẽ góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập hiện nay.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Media Quốc hội
Cần đảm bảo thận trọng, tránh tùy tiện
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, bày tỏ băn khoăn dự thảo Nghị quyết có phạm vi rất rộng, liên quan đến tiền, bất động sản, cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các ngân hàng. Nếu làm không chặt chẽ có thể xảy ra vi phạm pháp luật, vi phạm quyền lợi các bên có liên quan gồm bị hại, bị can, bị cáo và nhà đầu tư nước ngoài.
"Nghị quyết này đưa cả vật chứng và tài sản vào phạm vi điều chỉnh là điều cần rất thận trọng. Tài sản không phải vật chứng, tức không chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Ngoài ra, đại biểu Nghĩa cũng e ngại Nghị quyết này nếu áp dụng từ giai đoạn xử lý tin báo tố giác tội phạm, như vậy có thể trái với nguyên tắc suy đoán vô tội. Trong khi nguyên tắc là chưa có bản án có hiệu lực, người liên quan vẫn được đối xử như vô tội; và trong thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tố giác như ghét nhau, hiểu lầm, cạnh tranh không lành mạnh...
"Tự nhiên có một cái đơn tố giác gửi đến cơ quan điều tra. Theo Nghị quyết này thì sẽ xử lý tài sản của người bị tố giác từ lúc người đó không bị nghi ngờ, đang trong quá trình xem xét có đưa đến kết luận để chuyển sang khởi tố hình sự hay không?", ông Nghĩa đặt vấn đề, đồng thời khẳng định "làm như vậy là hạn chế quyền định đoạt về tài sản và quyết định thay - tức là tước đi quyền lợi của người liên quan".
Từ đó, đại biểu Đoàn TP HCM đề nghị Nghị quyết cần phân định rõ các biện pháp xử lý tài sản phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội, và phù hợp với quyền định đoạt tài sản ở các giai đoạn khác nhau của quá trình xử lý hình sự.
Cùng quan điểm, đại biểu Dương Văn Thăng, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho rằng xử lý vật chứng, tài sản của người chưa bị buộc tội thì có thể dẫn đến xâm phạm quyền tài sản theo quy định của Hiến pháp. Do đó, việc xử lý tài sản, vật chứng trong giai đoạn tiền tố tụng cần thận trọng, bởi lúc này chưa thể biết có hay không khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Dẫn Bộ luật Tố tụng Hình sự, ông Thăng nói, giai đoạn giải quyết nguồn tin của tội phạm thì cơ quan điều tra, VKS có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn xử lý vật chứng, tài sản. Còn Nghị quyết này quy định nội dung mới chưa được pháp luật hiện hành quy định, nên cần hạn chế tối đa việc phát sinh tranh chấp, lợi dụng, lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực.
Ông Thăng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định nội dung bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là các quy định đảm bảo thận trọng, chặt chẽ, tránh hành vi tùy tiện.