Cụ bà 90 tuổi đột quỵ được cứu sống

24/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Đột Quỵ Ngoại Thần Kinh Sức Khỏe
Cụ bà 90 tuổi đột quỵ được cứu sống

"Dấu hiệu đầu quay qua trái đối bên với nửa cơ thể phải yếu liệt cho thấy tình trạng bệnh nhân nguy hiểm, tiên lượng nặng trong bệnh cảnh đột quỵ", BS.CKI Nguyễn Phương Trang, chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hôm 6/11.

Bác sĩ đánh giá ý thức của cụ Kim khi nhập viện bằng thang điểm Glasgow ghi nhận 7/15 điểm, là mức độ nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cao. Glasgow là thang điểm dùng để đánh giá mức độ hôn mê hay ý thức của người bệnh tổn thương não cấp tính. Điểm số càng thấp thể hiện mức độ hôn mê, tổn thương não càng nặng.

Trên thang điểm NIHSS dùng để đánh giá tiên lượng lâm sàng đối với bệnh nhân đột quỵ cấp, tình trạng đột quỵ của cụ là 23 điểm. Người bệnh có điểm số càng cao phản ánh mức độ đột quỵ càng nặng.

Trước đó, cụ Kim đột ngột ngã xuống sofa, sức khỏe chuyển biến xấu dần. Đội cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM nhận được tin báo đã cử bác sĩ đến tận nhà sơ cứu bệnh nhân trong khi bệnh viện kích hoạt sẵn quy trình Code Stroke dành riêng cho cấp cứu đột quỵ. Kết quả đo điện tim phát hiện cụ Kim rối loạn nhịp tim, bác sĩ chẩn đoán bệnh rung nhĩ kéo dài. Bệnh rung nhĩ dễ hình thành cục máu đông gây tắc mạch máu não, dẫn tới đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ ở người bệnh rung nhĩ cao gấp 5 lần người bình thường.

Hội chẩn nhanh tại phòng cấp cứu, bác sĩ chỉ định chụp MRI 3 Tesla sọ não cho cụ Kim, thay vì chụp CT sọ não và CTA mạch máu não theo quy trình cấp cứu đột quỵ thông thường. Chụp MRI 3 Tesla giúp loại trừ khả năng người bệnh co giật, động kinh, tránh tác dụng phụ của thuốc cản quang gây nguy hiểm với người cao tuổi, theo bác sĩ Trang. Kết quả ghi nhận bệnh nhân tắc hoàn toàn động mạch não giữa bên trái tại đoạn cuối nhánh M1, gây đột quỵ nhồi máu não giờ thứ ba (kể từ khi khởi phát đột quỵ).

Cụ Kim bị tắc động mạch não (hình trái) và tái thông hoàn toàn sau dùng thuốc tiêu sợi huyết (hình phải). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bệnh nhân được điều trị với thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch. Các triệu chứng lâm sàng cải thiện trong quá trình truyền thuốc tiêu sợi huyết. Sau 15 phút, điểm NISHH giảm từ 23 xuống còn 17. Bác sĩ chỉ định can thiệp nội mạch, tranh thủ "giờ vàng" tái thông mạch máu não cho người bệnh càng sớm càng tốt, như quy trình điều trị đột quỵ thông thường. Tuy nhiên, ngay thời điểm chụp DSA để can thiệp nội mạch, thuốc tiêu sợi huyết đã đánh tan hết huyết khối, giúp tái thông mạch máu não cho cụ Kim, tuần hoàn máu não trở lại bình thường.

"Không phải bệnh nhân đột quỵ nào cũng đáp ứng tốt với thuốc tiêu sợi huyết như cụ Kim", bác sĩ Trang nói, thêm rằng người bệnh không cần can thiệp nội mạch để hút huyết khối. Một ngày sau, sức khỏe cụ phục hồi, hết liệt nhưng còn yếu nhẹ nửa người phải, có thể nói chuyện rõ ràng, tiếp xúc tốt. Bác sĩ đánh giá lại thang điểm Glasgow ghi nhận 15/15, thang điểm NISHH còn 8.

Cụ Kim được theo dõi huyết áp, nhịp tim sau đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Kết quả chụp MRI 3 Tesla mạch máu não cho thấy vị trí tắc động mạch não trước đó tái thông hoàn toàn, tuần hoàn máu não bình thường, không xuất huyết. Cụ Kim được bác sĩ theo dõi, điều trị ổn định bệnh rung nhĩ, tầm soát các yếu tố nguy cơ có thể gây tái phát đột quỵ, kết hợp chăm sóc dinh dưỡng, tập phục hồi chức năng, dự kiến xuất viện sau 10 ngày.

Đột quỵ là tình trạng cấp cứu thần kinh khẩn cấp. Mỗi giây trôi qua có đến 32.000 tế bào não chết đi vĩnh viễn và trong 59 giây sau đột quỵ, não bộ mất 1,9 triệu tế bào não. Người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như miệng méo, yếu liệt tay chân hoặc nửa người, nói đớt, đau đầu, mờ mắt... cần được đưa đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất hoặc gọi ngay cho tổng đài cấp cứu đột quỵ để được hỗ trợ kịp thời, tránh để lâu nguy hiểm.

Trường Giang

* Tên người bệnh đã thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật