Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 17h hôm nay, bão Trà Mi đã giảm xuống cấp 11 (117 km/h), giật cấp 14 khi ở trên vùng biển tây bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 370 km. Những giờ tới bão theo hướng tây với tốc độ khoảng 20 km/h và tiếp tục giảm cấp.
Đến 16h ngày mai, bão còn cấp 9 (88 km/h), giật cấp 11 trên vùng biển ven bờ các tỉnh Trung Trung Bộ. Do tương tác với không khí lạnh và cơn bão mới hình thành ở ngoài khơi Philippines, bão đổi hướng tây tây nam rồi đông nam. Đến 16h ngày 28/10, bão giảm còn cấp 8, giật cấp 10 và quay ngược ra biển.
16h ngày 29/10, Trà Mi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 130 km.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão Trà Mi lúc 16h ngày 26/10. Ảnh: NCHMF
Đài Nhật Bản dự báo bão tiếp cận vùng biển ven bờ Trung Trung Bộ với sức gió khoảng 83 km/h. Đài Hong Kong nhận định bão đi vòng xuống, chạm đất liền Quảng Nam với sức gió 85 km/h và trở ngược ra biển rồi suy yếu dần.
Biển động dữ dội, sóng lớn cao 5-7 m
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết chiều nay Bắc Biển Đông (gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) đã có gió mạnh dần từ cấp 6 đến cấp 11, giật cấp 13. Đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Lý Sơn (Quảng Ngãi) ghi nhận gió cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Dự báo đêm nay và ngày mai, vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh dần từ cấp 6 đến 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, biển động dữ dội, sóng biển cao 3-5 m, vùng gần tâm bão 5-7 m.
Vịnh Bắc Bộ có gió cấp 6-7, biển động mạnh, sóng biển cao 3-6 m. Nam Biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận gió mạnh dần lên cấp 6-7, sóng biển cao 3-5 m.
Trên đất liền ven biển Quảng Bình - Quảng Ngãi từ sáng mai gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11. Ven biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao 0,4-0,6 m.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An gia cố khu vực sạt lở TP Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Tại cuộc họp chỉ đạo phòng chống bão Trà Mi hôm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa), khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đều có khả năng chịu tác động của giông lốc, gió mạnh, sóng lớn. Nguy cơ cao sạt lở đê, kè biển tại ven biển các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão.
Miền Trung có nơi mưa 700 mm trong ba ngày
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết từ chiều nay đến đêm 28/10, khu vực Quảng Bình - Quảng Ngãi mưa phổ biến 300-500 mm, cục bộ có nơi trên 700 mm. Hà Tĩnh, Bình Định và bắc Tây Nguyên mưa 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, những đợt mưa đặc biệt lớn trong ba giờ có thể lên hơn 100 mm, trong 6-12 giờ lên trên 200 mm. "Mưa cường suất lớn và mưa dài ngày có thể gây ngập úng vùng đô thị, lũ quét, sạt lở đất ở vùng sườn dốc các tỉnh miền Trung", ông Hưởng cảnh báo.
Mưa lớn khiến các sông Hà Tĩnh - Bình Định, Kon Tum, Gia Lai có khả năng xuất hiện đợt lũ với biên độ 3-8 m. Đỉnh lũ trên các sông Quảng Trị - Quảng Ngãi lên báo động 2-3, có sông trên báo động 3, mức cao nhất trong thang báo lũ. Các sông ở Quảng Bình lên báo động 1-2, có sông trên báo động 2. Các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Kon Tum lên trên báo động 1.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết Bắc Trung Bộ có hơn 2.300 hồ đạt 47-80% dung tích thiết kế, hai hồ Cửa Đại ở Thanh Hóa và Tả Trạch ở Thừa Thiên Huế đang xả tràn. Nam Trung Bộ có 517 hồ, trong đó 9 hồ đang xả tràn. Các hồ dung tích nước thấp có thể tích nước, giảm ngập lụt cho miền Trung. Các hồ xả tràn có khả năng tiếp tục phải xả khi mưa lớn.
Gia Chính